Giao dịch viên ngân hàng là những nhân viên làm việc tại các quầy giao dịch của ngân hàng. Vậy những công việc của những họ thường bao gồm những công việc gì? Những cơ hội và thách thức nào cho các giao dịch viên ngân hàng? Hãy cũng nv.com.vn tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Mục lục
1. Thế nào là giao dịch viên ngân hàng
Giao dịch viên ngân hàng (thường được gọi là bank teller) nằm trong khối front office của ngân hàng, dùng để chỉ các nhân viên trực tiếp thực hiện những giao dịch với khách hàng tại phòng giao dịch, hội sở, chi nhánh,.. của một ngân hàng. Công việc chính của các giao dịch viên là xử lý các nhu cầu của khách hàng liên quan tới giao dịch tiền gửi, tài khoản, hoàn thiện thủ tục giấy tờ, hạch toán giao dịch,…
Xem thêm: Nhân viên bán hàng là gì? Những yêu cầu cơ bản cần có của một nhân viên bán hàng
2. Những công việc của một giao dịch viên ngân hàng
Các giao dịch viên ngân hàng thường là người trực tiếp tiếp xúc, tư vấn bán hàng và thực hiện những yêu cầu về dịch vụ của khách hàng tại quầy giao dịch. Vì vậy, đòi hỏi nghiệp vụ của các giao dịch viên phải chuyên nghiệp, phù hợp với văn hóa ngân hàng và nhiều giá trị vô hình khác được thể hiện qua thái độ phục vụ, cường độ làm việc và khả năng xử lý chính xác của giao dịch viên.
Đón tiếp và tìm hiểu nhu cầu của khách hàng
Nhiệm vụ đầu tiên của một giao dịch viên là đón tiếp, chào hỏi khách hàng ngay từ lần tiếp xúc đầu tiên, trong một khoảng thời gian ngắn nhằm tạo cho khách hàng những ấn tượng tốt đẹp về ngân hàng. Bên cạnh đó, giao dịch viên phải tìm hiểu nhu cầu của khách hàng để hỗ trợ kịp thời. Nhiệm vụ này đòi hỏi sự khéo léo, kỹ năng giao tiếp và sự chu đáo, tận tâm của mỗi giao dịch viên.
Tư vấn, hỗ trợ khách hàng về sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng
- Tư vấn, hướng dẫn cho khách hàng những thông tin về sản phẩm, dịch của ngân hàng thích hợp với nhu cầu khách hàng;
- Giới thiệu những sản phẩm mới và chương trình khuyến mãi cho khách hàng;
- Giải đáp các thắc mắc của khách hàng, thiết lập mối quan hệ, tư vấn, giới thiệu và cập nhật chính sách-sản phẩm-dịch vụ của Ngân hàng cho khách hàng;
- Thu thập, giải thích, hướng dẫn và cập nhật các thông tin từ khách hàng, phản hồi những kiến nghị và đề xuất bổ sung, sửa đổi những nghiệp vụ, sản phẩm,dịch vụ của Ngân hàng;
- Tiếp nhận và giải quyết những khiếu nại của khách hàng trong phạm vi cho phép trên cơ sở bảo đảm quyền lợi của khách hàng và uy tín của Ngân hàng.
Thực hiện giao dịch
Nhiệm vụ chính và quan trọng nhất của một giao dịch viên ngân hàng chính là thực hiện những thao tác nghiệp vụ để hoàn thành những giao dịch đáp ứng các nhu cầu của khách hàng.
- Thực hiện các giao dịch để đáp ứng nhu cầu của khách hàng về các sản phẩm/dịch vụ tiền gửi thanh toán, tiết kiệm, dịch vụ thẻ,… như nghiệp vụ thanh toán, nghiệp vụ liên quan tới tiền gửi, mở và quản lý tài khoản, phát hành thẻ, thu đổi ngoại tệ và thu chi tiền mặt và, chi trả kiều hối, lệnh thanh toán, chuyển tiền,…
- Thực hiện những nghiệp vụ liên quan đến giao dịch tiền mặt (ngoại tệ, VND) cho khách hàng như: lọc tiền, phát hiện tiền giả, tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông, xử lý chứng từ,…
- Cung cấp, phục vụ yêu cầu của khách hàng và những hoạt động nghiệp vụ một cách nhanh chóng, an toàn, chính xác theo đúng quy định, quy trình của Ngân hàng với chất lượng dịch vụ tốt nhất.
Thực hiện công tác hạch toán kế toán và báo cáo khi được yêu cầu
- Các giao dịch viên ngân hàng còn phải hạch toán giấy tờ/chứng từ liên quan, cân đối những khoản thu-chi đáp ứng nhu cầu của khách hàng hay theo yêu cầu của quản ly.
- Thực hiện những công tác báo cáo như: báo cáo tiền mặt, liệt kê các giao dịch khi cần thiết.
Chăm sóc khách hàng
- Chăm sóc khách hàng và bảo đảm tiêu chuẩn và chất lượng phục vụ cho khách hàng theo như quy định của ngân hàng.
- Chăm sóc và quan tâm đến khách hàng sau khi sử dụng dịch vụ nhằm tạo thiện cảm tốt đẹp, kích thích khách hàng sử dụng thêm các sản phẩm/ dịch vụ khác.
Xem thêm: Nhân viên lễ tân là gì? Những kỹ năng cơ bản cần có của một nhân viên lễ tân
3. Những yếu tố giúp thăng tiến cho các giao dịch viên ngân hàng
Kỹ Năng
Mỗi giao dịch viên cần có cho mình đủ 5 kỹ năng sau:
- Kỹ năng làm việc độc lập và làm việc nhóm;
- Kỹ năng giao tiếp tốt và kỹ năng lắng nghe;
- Kỹ năng xây dựng mối quan hệ cá nhân với khách hàng một cách bền vững;
- Kỹ năng đặt câu hỏi và linh hoạt trong xử lý tình huống;
- Kỹ năng đàm phán và thuyết phục khách hàng.
Phẩm Chất
Các phẩm chất cần có giúp trở thành một giao dịch viên giỏi là:
- Trung thực, tỉ mỉ, cẩn thận trong công việc;
- Thích các công việc ít đi lại, công việc văn phòng;
- Hòa nhã, thích giao tiếp. Có khả năng tiếp thị sản phẩm, khả năng giao tiếp là một lợi thế;
- Thành thạo tin học văn phòng, Tiếng Anh giao tiếp tốt;
- Kiểm soát tốt cảm xúc và biết cách lắng nghe;
- Luôn có thái độ cầu thị trong công việc.
Kiến Thức Nghiệp Vụ
Giao dịch viên giỏi là những người có kiến thức chuyên môn tốt, toàn diện về cả kỹ năng lẫn kiến thức.
- Nắm bắt nền tảng cơ bản về tài chính, Kế toán Kho quỹ, Kế toán Ngân hàng;
- Kiến thức chung về thị trường, khách hàng và đối thủ cạnh tranh;
- Kiến thức về các sản phẩm bán chéo, sản phẩm dịch vụ ngân hàng, Văn bản nghiệp vụ, Chi phí liên quan…
- Tốt nghiệp các trường cao đẳng và đại học khối ngành kinh tế. Công việc giao dịch viên không quá kén chuyên ngành học. Những bạn học quản trị kinh doanh, kế toán, tài chính doanh nghiệp,…vẫn có thể thi và làm giao dịch viên.
4. Những cơ hội và thách thức của một giao dịch viên ngân hàng
Cơ hội khi là một giao dịch viên ngân hàng
- Môi trường làm việc năng động, trẻ trung: Giao dịch viên là bộ mặt của ngân hàng nên bộ phận này là nơi tụ họp những con người nhiều năng lượng, trẻ trung tạo ra một môi trường làm việc cống hiến và sáng tạo.
- Nâng cao kỹ năng giao tiếp và mở rộng mối quan hệ: Là nghề nghiệp đặc thù cần giao tiếp nhiều nên kỹ năng chia sẻ, nói chuyện của các giao dịch viên cũng sẽ được cải thiện và nâng cao. Bên cạnh đó, công viêc này cũng tạo cơ hội cho các giao dịch viên tiếp xúc với nhiều khách hàng, từ đó xây dựng và mở rộng các mối quan hệ.
- Chế độ lương thưởng, đãi ngộ: So với những ngành nghề khác, giao dịch viên có một mức lương thưởng ổn định và khá. Mặc dù vậy, mức lương thưởng này sẽ còn phụ thuộc vào mức độ hài lòng của khách hàng và chỉ tiêu hoàn thành.
- Sự thăng tiến: Các giao dịch viên sau một thời gian cống hiến và làm việc, nếu như có khả năng tổ chức và năng lực lãnh đạo sẽ được đề bạt và thăng chức lên các vị trí tốt hơn trong ngân hàng. Từ đó chế độ đãi ngộ, lương thưởng cũng tốt hơn nhiều.
- Được đào tạo về chuyên môn và kỹ năng: Ngân hàng rất chú ý đến việc đào tạo kỹ năng, chuyên môn cho đội ngũ giao dịch viên để họ tự tin phục vụ khách hàng tốt nhất.
Tuy nhiều cơ hội, nhưng các giao dịch viên cũng phải chịu không ít thách thức
- Áp lực về tính chính xác và thời gian: Mỗi ngày, các giao dịch viên phải xử lý hàng trăm giao dịch nên tốc độ làm việc cần phải nhanh thế nhưng cũng cần tính chính xác. Đây là điều tiên quyết và quan trọng cần đáp ứng của bất cứ giao dịch viên nào.
- Áp lực về doanh số: Các ngân hàng đều sẽ có chỉ tiêu về doanh số nhằm thúc đẩy nhân viên làm việc. Chỉ tiêu của giao dịch viên thường sẽ liên quan đến số khách hàng vay hàng tháng hay khả năng huy động vốn…
- Áp lực về trách nhiệm: Là người trực tiếp làm việc với khách hàng, nếu như có sai sót gì về tiền, hay vấn đền tiền giả/tiền thật,… thì các giao dịch viên sẽ bị quy trách nhiệm và đền bù.
Lời kết
Trên đây là tổng hợp những thông tin về công việc cũng như những cơ hội và thách thức mà một giao dịch viên ngân hàng có thể gặp phải. Hy vọng với những thông tin có thể giúp cho mọi người hiểu rõ hơn về công việc của những giao dịch viên ngân hàng.
Dương Cảm – Tổng hợp, Chỉnh sửa
(Nguồn tham khảo: thebank.vn, japartner.vn, 123job.vn)